Đỉnh Tiểu Đồng – Quần thể Bách Xanh cổ thụ

Bách xanh là một loài cây quý hiếm, có tên khoa học là Calocedrus macrolepis thuộc họ Hoàng Đàn Cupressaceae , được phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt tại Vườn quốc gia Ba Vì còn bảo tồn được một khu rừng nguyên sinh nằm trên độ cao 1000m, trong đó Bách xanh là loài chiếm cây ưu thế trong tổ thành.

Theo điều tra mới nhất của Vườn quốc gia Ba Vì, hiên nay có hàng trăm cá thể Bách Xanh cổ thụ chủ yếu tập trung phía trên đỉnh Vua, đỉnh Tản viên, đỉnh Ngọc Hoa ở độ cao 900 – 1300m. Có những cá thể Bách xanh mọc cheo leo trên những vách núi đá dựng đứng, có đường kính từ 1,5 – 2,5m, cao tới 30 – 40m. Theo những nhà khoa học những cá thể Bách Xanh này có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Đây là một phát hiện mới, một bảo tàng sống có giá trị rất lớn đối với ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Cây Bách cổ thụ có đường kính hơn 2m

BÁCH XANH

Calocedrus macrolepis Kurz, 1873

Libocedrus macrolepis (Kurz) Benth. et Hook. f. 1880

Họ: Hoàng đàn Cupressaceae

Bộ: Hoàng đàn Cupressales

Tham khảo:

Mô tả:

Cây gỗ to, thường xanh, cao đến 20 – 25m hay hơn, đường kính, thân 0,6 – 0,8m, thân thẳng, nhưng khi cao trên 10m thường bị vặn. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc. Cây phân cành sớm, cành to mọc gần ngang, cành con mang các nhánh nhỏ nằm trong cùng một mặt phẳng. Tán cây hình tháp rộng.

Lá hình vảy, xếp áp sát trên cành thành từng đốt mỗi đốt có 2 lá lưng bụng to hơn và 2 lá bên nhỏ hơn. Lá to dài 5mm, lá nhỏ dài 2mm gần giống lá Pơ mu (Fokienia hodginsiivề hình dạng và màu sắc, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới bạc hơn. Nón đơn tính cùng gốc; nón cái hình bầu dục, dài 12 – 18mm, rộng 6mm, hóa gỗ và nứt thành 2 mảnh bên với một mảnh giữa mang 2 hạt to, mỗi hạt có 2 cánh không bằng nhau.

Về hình thái, Bách xanh giống Pơ mu, nhưng khác ở chỗ Pơ mu cao to hơn và nón cái hình cầu mang nhiều hạt với vảy hình khiên có mũi nhọn ở giữa.

Sinh học:

Cây cho hạt tháng 10 – 12 (Đà Lạt). Tái sinh bằng hạt tốt, đặc biệt ở nơi có nhiều ánh sáng. Cây con mọc nhiều như mạ nhưng chỉ một số rất ít phát triển thành cây trưởng thành.

Nơi sống và sinh thái:

Cây mọc trong rừng mưa nhiệt đới thường xanh ở núi thấp, đôi khi ở núi trung bình (độ cao 900 – 1000m đến 1800m. Thường mọc thành từng đám nhỏ hay rải rác ở ven suối cùng với Thông nàng (Podocarpus imbricatus), Hoàng đàn giả (Dacrydium pierrei).. tham gia vào tầng vượt tán.

Cây ưa khí hậu mát mẻ (nhiệt độ dưới 160C) và ẩm ướt lượng mưa trên 2000mm/năm, độ ẩm không khí cao. Thích hợp với loại đấtvàng alít, đất alít mùn phát triển trên đá phiến cát kết hay granít, tầng mỏng đến trung bình, thảm mục dày.

Phân bố:

Việt Nam: Lào Cai (Sapa), Hòa Bình, Hà Nội (Ba Vì), ở độ cao 1100 – 1200m), Đắc Lắc, Lâm Đồng (Đà Lạt), Khánh Hòa (Nha Trang: núi Tou Ha), Ninh Thuận.

Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam), Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan.

Giá trị:

Gỗ thớ thẳng, khá min, khi khô ít nứt nẻ và không bị biến dạng, không bị mối mọt và mục, dễ gia công. Dùng để xây dựng nhà cửa, đóng đồ gỗ cao cấp, tiện đồ mỹ nghệ và làm đồ dùng văn phòng. Do gỗ có mùi thơm dịu nên còn được dùng làm bột hương. Ngoài ra cây có dáng đẹp, có thể trồng làm cảnh.

Tình trạng:

Đang nguy cấp, bị lùng kiếm ráo riết để lấy gỗ làm bột hương, vì nguốn Hoàng đàn (Cupressus torulosađã bị can kiệt. Vùng suối Đatala (Đà Lạt) chỉ còn những cây nhỏ, đường kính dưới 10cm, ven thác Đarơcao (Đà Lạt) chỉ còn hơn 50 cây có đường kính trên 5cm. ước tính cả nước ta hiện tại không còn quá 500 cây bách xanh có đường kính trên 10cm. Môi trường sống của bách xanh cũng đang bị thu hẹp dầndo nạn phá rừng và nạn nương rẫy. Mức độ đe doạ: Bậc V

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Khoanh nuôi khu bảo vệ ở ven suối Darơcao với diện tích khoảng 100ha, ở độ cao 1300 – 1500m và là đối tượng bảo vệ của vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội). Gấp rút đưa vào gieo trồng ở một số nơi quanh Đà Lạt và trên đinh núi Ba Vì